Hoa Hướng Dương

Sunday, May 29, 2005

Hoa hướng dương


The image “http://www.safehealthscience.com/network/portfolio_app/images/people/20_sunflower_field.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Hoa đài các quy triều bao ánh sáng
Như trái tim thương nhớ hướng về anh
Hoa vẫn thế kiêu kỳ không thay đổi
Vẫn ngàn năm soi bóng ánh mặt trời

Thomas Moore (1779-1852)

Tên tiếng Anh : Sunflower

Tên tiếng Pháp : Soleil

Tên Latin : Helianthus

Biểu tượng : sự kiêu kỳ, sức mạnh, lòng trung thực, trung thành.

Hướng Dương có nguồn gốc ở Bắc Mỹ cách đây khoảng 5000 năm. Vào thế kỷ 16, các nhà thám hiểm mang hoa hướng dương sang châu Âu, rồi từ đó, nó được du hành theo con đường thương mại của các nhà buôn sang Nga, Ai Cập và Viễn Đông. Có trên 150 loài hoa hướng dương, có loài cao đến 15 feet (~4,5m) trong khi đó có loài chỉ thấp khoảng 2-3 feet (0,6-0,9m).

Đóa hoa to lớn có những cánh vàng bao quanh một dĩa tròn màu vàng sẫm, nâu hay tím này thuộc về một nhóm có tên khoa học là Helianthus, do hai chữ Hy Lạp ghép lại : "helios" nghĩa là mặt trời và "anthos" là hoa. Những bông hoa này luôn hướng về phía mặt trời.

Năm 1532, Francisco Pizarro đã thuật lại việc ông nhìn thấy những người Inca bản xứ ở Pêru tôn thờ bông hoa hướng dương như một biểu tượng của mặt trời. Các nữ thầy cúng Inca đeo những đĩa hoa hướng dương vàng trên trang phục của họ. (Inca là tộc người da đỏ từng thống trị vùng Pêru cổ xưa cho đến khi người Tây Ban Nha sang xâm chiếm. Đế quốc Inca đã từng có một nền văn minh phát triển cao).

Theo thần thoại Hy Lạp, một tiên nữ dưới nước đã yêu Apollo-Vị thần Mặt Trời oai dũng. Tiên nữ yêu chàng nhiều đến nỗi cô ngồi trên mặt đất và suốt ngày dõi hướng về phía mặt trời. Thế nhưng, Apollo lại rất hờ hững và chẳng bao giờ chú ý đến nàng. Các vị thần khác cảm thương nàng tiên nữ trẻ, đã biến nàng thành hoa Hướng Dương. Điều này giải thích tạo sao hoa hướng dương luôn luôn hướng theo đường đi của mặt trời.

Một truyền thuyết khác kể rằng Clytie, một tiên nữ đã yêu Helius-thần Mặt Trời, nhưng chàng lại khinh thị nàng và yêu một người con gái khác tên là Leucothoe. Trong cơn ghen, Clytie đã mách chuyện tình của hai người này cho cha của Leucothoe-đức vua xứ Ba Tư. Ông sau đó đã chôn sống con gái mình để trừng phạt nàng. Vì vậy, Helius càng ghét Clytie hơn khiến Clytie khốn khổ hóa thành hoa Hướng Dương, đầu luôn quay theo hành trình mặt trời đi từ Đông sang Tây mỗi ngày.

Hoa Hướng Dương mang nhiều ý nghĩa thay đổi tùy theo các nền văn hóa khác nhau. Ở Trung Quốc, Hướng Dương được xem như biểu tượng của sự trường thọ. Ở vùng núi Andes Nam Mĩ, người ta tìm thấy những hình ảnh hoa hướng dương bằng vàng trong các ngôi đền. Những người dân bản xứ miền Trung và Bắc Mĩ ép dầu hoa hướng dương làm thực phẩm, dược phẩm và thuốc nhuộm. Những người da đỏ sống trên thảo nguyên ở Bắc Mĩ đặt những tô chứa hạt hoa hướng dương trên mộ người chết. Người ta cho rằng, nếu một cô gái đặt 3 hạt hoa hướng dương xuống lưng, cô ấy sẽ cưới người con trai đầu tiên mà cô gặp.

Hoa Hướng Dương luôn hướng về phía mặt trời nên thường là biểu tượng của lòng trung thành, chung thủy sâu sắc, sự kiên định đó cũng biểu thị cho sức mạnh, uy quyền, sự ấm áp, nuôi dưỡng (tất cả những thuộc tính của mặt trời) và cả sự kiêu kỳ, vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài hay một tình yêu bất hạnh. Những cây hoa Hướng Dương thấp tượng trưng cho sự đam mê trong ngôn ngữ của loài hoa.

Hoa Hướng Dương còn là biểu tượng của một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Sau khi Ukraine từ bỏ đầu đạn hạt nhân cuối cùng, các bộ trưởng bộ quốc phòng của Mĩ, Nga, Ukraine đã gặp nhau bàn về một căn cứ tên lửa hạt nhân cũ của Ukraine vào tháng 4 năm 1996. Họ tổ chức lễ gieo hạt và trồng hoa Hướng Dương. Năm 1996 được cơ quan Vườn Quốc Gia Mĩ (the National Garden Bureau) chọn là Năm của hoa Hướng Dương. Biểu tượng hoa chính thức của tiểu bang Kansas là Helicanthus annus, một loại hoa hướng dương và Kansas còn được biết đến như một tiểu bang Hoa Hướng Dương (Sunflower State).

Hoa hướng dương - cuộc hành trình dài và kỳ lạ

The image “http://www.desktopwallpapers.co.uk/wallpapers/nature/1280x960/frankV11280.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Bạn có thể tin được rằng hoa hướng dương đã có mặt trên trái đất này từ 8.000 năm trước không? Các nhà khảo cổ học cho rằng những thổ dân ở châu Mỹ đã bắt đầu trồng hoa hướng dương từ năm 2300 trước Công nguyên, trước cả khi họ trồng ngũ cốc, đậu và bí. Hoa hướng dương đã được những bộ lạc người da đỏ sử dụng trong rất nhiều việc.


Cho đến ngày nay, đã có khoảng 2000 loài hướng dương. Thật không may là rất nhiều loài hướng dương đang có nguy cơ tuyệt chủng. Một loại hướng dương chuyên trồng lấy hạt có tên là "Mammoth Russian" rất may mắn vẫn còn tồn tại. Trong danh mục hạt giống của các công ty "Mammoth Russian" còn có những cái tên khác như "Russian Giant", "Tall Russian", "Russian Greystripe", hay chỉ đơn giản là "Mammoth". Một loại hướng dương chuyên dùng để trang trí nữa chưa bị tuyệt chủng có tên là "Italian White", tên khoa học là Helianthus debilis cũng là loại cây có tên trong rất nhiều danh mục hạt giống của các công ty. Vào năm 1500 hoa hướng dương theo chân những nhà thám hiểm đến châu Âu vàược sử dụng rộng rãi như là một thứ hoa để trang trí. Czar Peter the Great, một người Nga đã tìm thấy hoa hướng dương khi ông đi du lịch qua Hà Lan và ông là một trong những người đầu tiên đặt ra kế hoạch cho trồng phổ biến loại cây này ở nhiều nơi.

Một người Nga khác có tên là Orthodox Church đã làm cho cây hướng dương trở nên phổ biến hơn nữa khi người ta cấm sử dụng thức ăn có chứa dầu vào mùa ăn chay mà hướng dương lại không có tên trong danh sách bị cấm. Từ đó hướng dương nhanh chóng trở thành một trong những loại thực vật được chế biến làm thức ăn (tức là vẫn được ăn thức ăn có tinh dầu - tinh dầu hướng dương - nhưng không vi phạm lệnh cấm ý mà). Vào đầu thế kỷ thứ 19, những người nông dân ở Nga đã trồng khoảng 800.000 hecta hướng dương. Đến năm 1880, hướng dương xuất hiện trên đất Mỹ trong mục quảng cáo của các công ty chuyên kinh doanh hạt giống. Và hướng dương xuất hiện trọng danh mục hạt giống với cái tên: "Mammoth Russian" sunflower.


Hạt của hoa hướng dương được nghiền nhỏ hoặc xay thành bột rồi trộn lẫn với rau hoặc cắn hạt để ăn cho vui (như cách mình cắn hạt hướng dương bây giờ ấy nhờ). Hạt hướng dương được dùng để ép thành tinh dầu làm bánh mỳ. Hoa hướng dương còn được sử dụng để chiết xuất ra thuốc nhuộm màu tía sử dụng trong dệt vải, vẽ tranh hoặc dùng cho các mục đích trang trí khác. Một số phần của cây hoa có thể được dùng trong y học để chữa trị những vết rắn cắn hoặc dùng làm thuốc mỡ bôi ngoài da. Thổ dân Mỹ còn sử dụng những thân cây hướng dương đã được sấy khô làm vật liệu xây dựng cũng như sử dụng cây và hạt trong các buổi lễ tế, lễ kỷ niệm.

(Chiaki dịch & giới thiệu)



Dã quỳ Đà Lạt

Dã quỳ

Cao Tiến Sĩ

Có loài hoa nào vàng đến thế không em?
Có loài hoa nào buồn đến thế không em?
Loài mặt trời hoang dã
Nở rười rượi mỗi hoàng hôn ối đỏ
Đem nỗi buồn chống chọi với thời gian
Lỡ thương mùa thu, thương một chút sắc vàng
Phải rong ruổi khắp một thời lữ thứ
Lúc chia tay vườn non chưa chớm nụ
Buổi quay về hương sắc đã âm u
Dã quỳ ơi! Em mang cả mùa thu
Đi biền biệt vào sắc vàng hư ảo
Chút trinh bạch trái mùa rời vạt áo
Em có về cát bụi với ta không?


Hoa dã quỳ

Nguyễn Đạo Tĩnh

Vàng đến thắt lòng nhau
Vắt kiệt mình trong cơn khát đam mê
Tự đốt cháy quên mình hoang dại
Tự đốt cháy quên mình tê tái
Hoa dã quỳ!

Suốt một đời không một chút nâng niu
Cứ dâng hiến - cứ lặng thầm dâng hiến
Hoa như thể nỗi niềm đau đớn
Quá vô tình người có biết không?

Em như một đóa quỳ sơn cước
Gió và mưa chẳng thể nào tắt được
Cái màu tươi nguyên sơ

Tự đốt cháy mình trong cơn khát đam mê
Hoa rực cháy một vùng biên ải
Dã quỳ! Dã quỳ
Đợi tay người đến hái
Chiều nay, người biết không?

ĐÀ LẠT MÙA KHÔNG CÓ DÃ QUỲ

Nhà của nhiếp ảnh gia MPK như được lấy ra từ trong một truyện ngắn của phương Tây : Đó là một căn hộ hai phòng chót vót trên đồi cao với đường mòn lên dốc bậc thang. Hai bên đường rặt một loài hoa tím dại, nhác trông tựa như lưu ly thảo, nhưng quê mùa hơn. Tôi hỏi hoa gì ? MPK nói ra một cái tên dân gian mộc mạc nghe đến là thô. Nhưng anh cho biết : Tôi dịch ra âm Hán Việt cho nó cái tên khác: Trư ni thảo. À, tên này do anh đặt ? Mấy cô sinh viên ở Đại học Đà Lạt biết tên ấy. Cũng may, nếu không các cô sẽ bối rối khi du khach lên chơi thành phố có một câu hỏi giống tôi.

Bắt đầu nói về hoa Đà Lạt bằng Trư ni thảo kể cũng hơi buồn. Bao nhiêu loại hoa, nếu biết nói sẽ phản đối. Nào Mi-mo-da vàng ươm, mịn màng. Hoa Hồng tầm xuân đẹp độc đáo như mẫu hình hoa văn riêng của Đà Lạt. Hoa Tràm bông đỏ rủ xuống luôn gợi một nỗi đợi chờ. Rồi hoa Pen-se ( còn gọi là hoa Tư tưởng ), hoa Thiên điểu, Cúc bất tử, Cẩm tú cầu, Trà mi... cơ man bao nhiêu loại hoa khoe sắc trên đất cao nguyên quyến rũ này vào tháng ba...Nhưng theo MPK thì Trư ni thảo là một loại thuốc cầm máu tuyệt vời. ..Hồi kỉ niệm 100 năm Đà Lạt, mải chạy xuống đồi để chụp pháo bông, trong đêm, anh bị một cú ngã dữ dội vào dãy hàng rào mới dựng. Quơ vội mớ lá dưới chân, anh nhai nát rồi đắp vào vết thương. Máu cầm tức khắc. Con vi trùng uốn ván cũng biến ! Nếu không nhà nhiếp ảnh MPK tức Mi-sen Phước Khùng ( anh Phước rất dễ thương và không khùng tí nào ), một nghệ sĩ tài năng mà học trò Đà Lạt rất quen mặt làm sao còn khoẻ cùi cụi để bây giờ kể về các loài hoa.

Có lần khi đồi Cù còn hoang sơ để có thể nằm ngủ trên ấy từ sáng đến chiều, MPK lên phục suốt đêm trong giá lạnh để đợi cái khoảnh khắc sương sớm lãng đãng trên mặt hồ Xuân Hương. Nắng vừa lên, anh phát hiện dưới cằm mình một loài hoa dại, bé xíu, có ống dài như loa kèn. Giơ ống kính Macro lên, hoa hiện to, đẹp lạ kỳ. Bông hoa vừa được bứt lên đã héo rũ ngay tức khắc. Thói quen trỗi dậy, anh lại đặt tên :hoa Tình yêu . Cái tên không được phổ biến cho ai. Nghe để hiểu những buồn vui của cuộc đời anh.

Dân Đà Lạt tự hào về Mi-mo-da, thứ hoa có nguồn gốc Úc châu, được xem như biểu tượng của lòng chung thuỷ. Nhưng mấy ai ngửi được mùi hương của nó khi mới nở bừng. Cũng chính MPK nằm dưới một gốc cây Mi-mo-da trong một lần chụp ảnh buổi sáng sớm sương tan để rồi ngẩn ngơ vì mùi hương ngai ngái gợi nhớ một điều gì đã cũ. Đà Lạt tròn trăm tuổi, riêng anh đã sống gần 40 năm ở đó, làm sao nhớ hết và chẳng thể quên hết...

Hoa Anh đào đã không còn trong tháng ba để vừa ngồi xe vừa nhẩm một bài hát xưa "Mùa xuân sang có hoa Anh đào...". Đi dọc theo đường Quang Trung, mấy lần tôi dừng lại để ngắm hoa Cô-ni-cô trong bờ rào. Thứ hoa cảnh màu đỏ, màu hồng ấy sao đẹp vậy ? Giống như hoa Phù dung , nó úa tàn trong chiều buốt lạnh....Khi nắng cao nguyên tắt sớm, vẫn mang vẻ đẹp dịu dàng, mong manh. Giống hoa Pen-se, còn được gọi là Hoa học trò. Cứ ngỡ cái tên được sinh ra từ một sáng chủ nhật thẩn thơ đi hái hoa dại về cắm trong bình.

Đà Lạt có bao nhiêu màu áo len, thì có bấy nhiêu màu hoa. Nhưng tháng ba vắng bóng Dã quỳ. Anh bạn CV từ Hà Nội vào, cùng lên Đà Lạt với tôi thầm chắt lưỡi tiếc rẻ. Anh không thấy được Dã quỳ vàng ươm trong nắng, mọc dài trên các hàng rào, bờ cây bụi cỏ, trên đường từ Đà Lạt đi Đơn Dương. Biểu tượng cho Đà Lạt, bên Mi-mo-da chính là Dã quỳ.

Cái màu vàng hoang dại ấy, sẽ còn gợi người trở về Đà Lạt. Dù từ đâu, Sài Gòn hay Hà Nội, chúng tôi còn mong trở về để lang thang trên phố núi cao nguyên, giở xem lại những bức ảnh chụp thiên nhiên Đà Lạt đẹp như tranh vẽ của MPK và vì những bông Dã quỳ, luôn mang màu nắng ấm trong giá buốt cao nguyên.

Tác giả: Phạm Công Luận
Bài đăng trên Hoa học trò số 57


Chiaki sưu tầm



Nắng lạnh và dã quỳ



The image “http://www.artshopnc.com/Nesvadba/sunflower-field.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.


Mỗi khi mùa đông về, dã quỳ lại nở khắp nơi. Loài hoa thật lạ - hoa báo đông. Chúng nở vàng rực hai bên đường, trên hàng rào, dưới những ngọn thông vi vu cùng gió, bên mặt hồ... Chỗ nào cũng thấy dã quỳ vàng.

Mùa đông về ở Đà Lạt dễ nhận biết lắm. Buổi sáng, sương mù bao phủ khắp mặt hồ. Sương trắng đục như sữa, bàng bạc, lãng đãng, hư ảo. Thành phố chìm ngập trong sương. Mặt trời lên cao mà dường như thành phố chưa thức giấc. Những bụi hoa dại, tường vi, tóc tiên rung rinh lá. Sương đọng trên lá như hạt ngọc, lóng lánh, lung linh...

Đà Lạt có cái nóng mùa đông rất đặc biệt. Nắng vàng như rải đều khắp các lùm cây, ngọn cỏ, mái nhà. Một màu vàng trong suốt. Nắng làm cho những ngôi nhà, những căn biệt thự hoài cổ thêm sức sống, dù những ô cửa kiếng chẳng bao giờ mở, những cánh cổng nặng nề ít thấy người vào ra.

Cái nắng vàng như không thể vàng hơn. Tôi gọi đó là nắng lạnh, vì khi đi dưới nắng, đi trong nắng ta vẫn không thấy nóng, không thấy rát. Chỉ cảm thấy cái lạnh se se, tê tái. Ai đã từng thấy nắng lạnh, từng chìm đắm trong màu mật vàng của nó, dù chỉ một lần, người ấy sẽ nhớ mãi, sẽ yêu Đà Lạt và nắng lạnh.

Mùa đông, Đà Lạt buổi sáng mù sương, buổi trưa có nắng lạnh. Vào buổi chiều trời thường âm u. Lúc nào trời cũng như sắp khóc, sắp sụt sùi. Sóng lăn tăn dưới mặt hồ, rừng thông thì lúc nào cũng reo vi vu với điệu buồn ngàn năm của nó. Chiều lạnh, gió thì thầm. Tất cả không khí trầm buồn ấy đã trả lại cho những ngôi biệt thự hoài cổ kia một tâm trạng thật u buồn, lặng lẽ, cô đơn.

Đã bao nhiêu mùa dã quỳ vàng đến rồi đi. Những đóa hoa mỏng manh, mau tàn ấy đua nhau nở. Hình như chúng biết thân phận mình không hương nên chúng cứ đua nhau khoe cái màu vàng rực rỡ với trời đất, với vạn vật. Suốt ngày chúng ngả nghiêng với những cơn gió lạnh lẽo, miên man. Chúng trang điểm cho vùng đất lạnh, chúng còn trở thành vòng hoa, vương miện trên đầu những cô gái và xoay tít trong bánh xe của những chàng trai.

Nắng vàng đuổi nhau qua các ngọn đồi nhấp nhô. Mang theo cái lạnh tê tái. Nắng vàng làm mọi vật như ấm hơn, như có sức sống hơn dù tự thân nó đã lạnh. Vậy nên bao giờ nó cũng có tên là nắng lạnh.

Cứ mỗi khi thấy khắp nơi, trên đồi, dưới thung lũng một màu vàng rực của dã quỳ, và một màu nắng trong suốt, vàng như mật rải đều khắp mọi vật, thì đó, mùa đông Đà Lạt đã về.

Nguyễn Tiến Niệm




Thơ hoa quỳ vàng

The image “http://www.ianjphoto.ndirect.co.uk/Sunflower-No-4-Wcolour-34.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.


Hoa quỳ

Trần Mạnh Hảo

Bé chỉ thấy cây đứng
Sao gọi là hoa quỳ ?
Mỏi chân không ngồi xuống
Cây thẳng như người đi.

Cứ vậy rồi hoa nở
Thắm như vàng mười khoe
Cây hoa quỳ nho nhỏ
Bỗng xòe như lọng che.

Mặt hoa như mặt người
Biết quay về ánh sáng
Cứ chọn hướng mặt trời
Ngày ngày hoa chiếu thẳng.

Hoa quỳ, hoa quỳ ơi !
Hoa thích ngắm mặt trời,
Đêm trăng trong vườn bé
Hoa quỳ như nắng tươi.


The image “http://www.ianjphoto.ndirect.co.uk/New_Folder/Jo%20Paintings/_Sunflower-2.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Chị Quỳnh và hoa Hướng Dương
Thẩm Hạ

Hoa Hướng Dương quanh phòng chị
Có nở vàng từ độ Hạ đi
Hạ yêu hoa giữa độ xuân thì
Như thương chị cô gái pha lê yếu đuối

Hoa Quỳnh chỉ nở vào buổi tối
Giống như chị kín cổng đợi chờ
Bao lâu rồi người dưng không tới
Có lẽ nào chị cứ sống trong mơ ?

Hạ yêu hoa, loài Hướng Dương rực rỡ
Luôn hướng mình về chân lý sáng ngời
Đời thiếu gì người con trai khác,
Đâu phải chỉ mình người ấy, chị ơi !

Cái ngày Hạ vào ký túc xá
Còn nhớ mang theo chậu hoa vàng
Trong trái tim trẻ non xa xứ
Ươm hoài đôi mắt chị đa mang.


Pleiku, đóa quì vàng và những hồn thi sĩ

Pleiku, một thành phố nhỏ heo hút ở cao nguyên, nhờ thơ và nhạc, đã thành một nơi chốn đầy thơ mộng. Thành phố ấy, có những tương phản kỳ lạ. Chiến tranh đã làm phố núi ấy có một bộ mặt, khi thì lãng mạn thơ mộng với những tà áo dài nữ sinh đi học buổi sớm mai nhưng cũng có lúc đầy nhục dục xác thịt. Con đường từ phố đến camp Holloway đầy những quán rượu và những cô gái phấn son lòe loẹt. Và, thành phố cũng đầy những sắc lính. Những người từ mặt trận trở về, đốt tiền mua vội một đêm vui rồi sáng mai trở lại miền gió cát. Những người lính đồn trú ở đây, ráng làm quen với cuộc sống ở vùng nắng bụi mưa sình, trong một giây phút nào, cũng nao nao vì những tà áo trắng buổi sáng trong sương mù Pleiku, tìm thấy một chút thơ mộng trong đời để làm kỷ niệm. Pleiku, những cuộc tình có thực đầy dông bão của những người lính và những cô gái giang hồ. Nhưng Pleiku cũng có những êm ái thánh thiện của tình học trò áo trắng và người lính dạn dầy trong khói lửa. Pleiku có con đường đầy quán rượu cho lính G.I. viễn chinh nhưng cũng có con đường có hai hàng cây cao vút rợp bóng lá và những tà áo học trò tung bay theo nắng.

Người làm thơ, có lúc cũng cảm khái vì cái không gian, thời gian của thành phố ấy. Mưa cũng là cái mưa đặc biệt, mỗi mỗi hạt mưa như chứa đựng cả những nỗi niềm của tất cả những địa phương xa lạ thu góp về. Nắng cũng là cái nắng không phải của một nơi chốn nào khác, nó mang đến cái hanh hao khó chịu nhưng cũng trong màu nắng ấy lấp lánh những tình cảm thầm thì khó tả. Lạnh cũng chẳng phải là cái lạnh lẽo bình thường mà hình như cỏ cây, đường phố, núi non,... ở đây cũng se mình và chia sẻ chung vui buồn với con người. Trong giây phút hiếm có trong đời, cảm xúc đã làm ngôn ngữ tăng thêm lôi cuốn và tạo nhiều ấn tượng. Nguyễn Bắc Sơn, một chứng nhân của cuộc chiến, làm thơ như một cách thế sống, đã coi công việc viết như một phần của đời người. Sống ở Plei ku và viết những bài thơ để gửi Pleiku. Thơ ông, có chút cảm khái ngậm ngùi của thời tao loạn nhưng cũng có những xúc động bềnh bồng của tâm tư lãng mạn hay đùa cợt với cuộc đời. Thơ, phảng phất vóc dáng một chàng cuồng sĩ...

Ðọc bài thơ “Hoa Quì Vàng Lạnh Pleiku,” tự nhiên tôi như người trở về thời gian ấy, không gian ấy. Trở về những ngày tuổi trẻ, của những giây phút bốc đồng coi mọi việc như cuộc đùa chơi. Cái lạnh, chưa hẳn là lạnh lẽo mùa đông, mà còn chứa đựng một chút nồng ấm nào đó của mùa hạ. Lạnh ở bên ngoài nhưng rần rần nóng hổi ở tim óc bên trong. Sương mù ban đêm trên đỉnh cao nhìn về phố buồn, tâm thức cũng ào ạt như sóng theo tầm nhìn vời vợi...

“Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó... ”

Tôi cũng đã sống ở Pleiku gần ba năm. Thời gian ấy trong hơn tổng số bẩy năm ở lính của tôi chắc là đáng kể và đầy chật những điều đáng nhớ. Ngày đầu tiên khi từ Nha Trang xuống phi trường Cù Hanh là một ngày mưa u ám. Mưa sủi bọt trên mặt nhựa phi đạo và bầu trời nặng nề u ám mầu mây đen. Gió ào ạt lồng lộng ngoài kia khiến cho tôi thấy mình quá nhỏ nhoi trong cái buồn mênh mang của đất trời. Lúc ấy, tôi thấy những câu thơ vẩn vơ trong óc của Kim Tuấn, Du Tử Lê, Vũ Hữu Ðịnh, Nguyễn Bắc Sơn,... Thơ tự nhiên thành một phần của một ngày, một tháng, một năm,... của riêng tôi. Thơ để quên đi hiện tại. Những giọt mưa quất vào mặt, buốt rát. Những ngọn gió thốc vào ngực. Nặng tê...

Ðọc bài thơ dài của Nguyễn Bắc Sơn tôi chỉ thấy có hai câu nói về mầu hoa quì vàng. Thế mà cái mầu sắc hoa man dã ấy chỉ một nét thoáng qua nhưng lại gợi nhiều dư âm. Màu vàng, có khi là màu vàng lạnh, nhưng có khi là màu nóng chói chang của nắng.

“Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh.
Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao.”

Hoa quì vàng, một loài hoa nhỏ, cây từa tựa giống như hoa cúc, tôi đã nhìn thấy miên man màu vàng khi trên phi cơ nhìn xuống. Màu vàng, mênh mang trên những ngọn đồi loang lổ màu xám của đá và màu đỏ của đất. Hoa quì, lẻ loi một cánh trên tay thú thực cũng chẳng hấp dẫn lắm nhưng nếu bạt ngàn dưới cánh phi cơ, rào rạt trong nắng trong gió sẽ trở thành một ấn tượng khó quên cho cảm xúc. Ơi hoa quì, màu vàng không phải kiêu sa như màu hoàng cúc của áo tôn nữ mà có sự gần gũi với tà áo vàng của dân dã, của thiên nhiên. Hèn chi, cũng có nhiều nhà thơ vấn vương với hoa quì vàng, như Nguyễn Xuân Thiệp, như Kim Tuấn,...

Người thơ kể chuyện của mình, một câu chuyện có lẽ rất quen tai của những người lính thú. Cũng đi xuống, đi lên, cũng loay hoay bồn chồn như những chàng gà trống...

“Ðời lang bạt của một người lính thú
Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ
Ði một mình lên xuống phố mù sương
Phố núi kia ơi, phố có con đường
Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu
Không có bạn tôi làm sao uống rượu
Tôi làm sao sống nổi một ngày đây
Phố núi kia ơi, kẻ lạ đông đầy
Nhìn gã lính không khác gì gã lính...”

Không có bạn tôi làm sao uống rượu. Tôi làm sao sống nổi một ngày đây. Nghe như một câu nói thường ngày, không có chất thơ mà sao nghe tràn đầy thi tứ. Chắc lúc ấy, sự cảm khái của người thơ đã lên cao độ, và, nỗi lạnh lùng thiên cổ như bám vào da vào thịt. Có nỗi nhớ mong, có niềm tiếc nuối. Người em, bây giờ lưu lạc ở đâu?

“...Tôi vận rủi làm một người lãng đãng
Ngó mông hoài khuất bóng của người em
Sáng hôm nay đời sống thật bình yên
Sao phố lại đuổi đi người yểu điệu
Vườn đá tảng bàn chân em huyền diệu
In gót hồng lên lớp bụi đời tôi
Là từ khi tôi hạnh phúc rong chơi
Và quên lãng con thú mù phẫn nộ
Ôi phố núi đêm nay là cổ mộ

Một hàng đèn sáng lạnh cõi bi hoang...”

Bài thơ thứ hai tôi đọc để nhớ Pleiku là của Nguyễn Xuân Thiệp, bài “Pleiku, tháng Ba 1974.” Ba mươi năm trôi qua, nhưng ngày tháng đó vẫn còn sinh động. Thơ, không ghi chép lại nhật ký ngày tháng mà sao đầy dấu viết của một quãng đời. Ngày ấy, lửa cháy đỏ. Ngày ấy, người thi sĩ kể chuyện một mình. Ðâu cần ai hiểu, chỉ để nỗi niềm loang vào sương đêm thành nỗi nhớ mịt mùng.

“Cầm bút viết, tháng Ba rực cháy
Hàng dầu cao trong bình minh
Cơn sốt của trái chín và cánh đồng
Trận gió hung trưa ngày ấy
Cầm bút viết, đồi hoa quỳ vàng
Tháng Ba xuống khu rừng
Bóng quạ rung những nhánh cây màu tàn lửa tiếng thét hư không. Chiều rượt qua ngàn...”

Những hình ảnh đan vào nhau với những liên tưởng tiếp nối. Ảnh tượng có khi như không liên quan nhau, chỉ là những nét phác sơ lược nhưng lại làm nổi bật được một không gian đầy biến động. Ðồi hoa quỳ vàng, khu rừng, bóng quạ, nhánh cây màu tàn lửa, tất cả như chìm đắm trong nỗi bàng hoàng của thế thời. Cơn bão lửa dậy lên từ hoang vu:

“Tháng Ba, chân trời chớp tía
Những chuyến xe lên đường, cơn mưa chợt đến
Rào qua mái nhà, bàng hoàng mưa ngưng bặt
Ðêm. Những căn nhà gỗ sáng đèn.
Tháng Ba. Trên đồi vông nở.
Tôi trở về thị trấn tháng Ba
Những sợi dây trời cắt đau trí nhớ
Cườm tay em nhỏ máu hè xưa...”

Xa rồi những ngày thơ mộng. Gần lắm rồi những nỗi kinh hoàng. Cái linh cảm của một cuộc địa chấn là cái linh cảm chung của những người như những con chuột đang cuống cuồng trong rọ. Thị trấn sẽ thành biển lửa, nay mai. Sẽ đầy những cuộc chia ly đầy nước mắt. Thảm họa sụp xuống, như cơn hồng thủy đến.

“...Vò nát chiếc khăn và đừng khóc chiều nay. Chớp bể mưa nguồn chia tay nhau. Sương phụ

người đi râu bám bụi đường tháng Ba. Em. Những căn nhà gỗ ánh đèn khuya. vệt máu hè xưa, đừng tiếc chiếc khăn tay ngày ấy sẽ bay trong lửa hoàng hôn tháng Ba. Cơn giông rền mặt đất.”

Ðọc xong hai bài thơ, tôi như người hụt hơi. Ðời sống, như một hơi khói nhẹ, loãng bay vào hư không.Tự nhiên, thấy lòng mình chùng xuống những kỷ niệm. Những bài thơ. Thuở đã xa. Ngày còn trẻ. Và hoa quì vàng, cái màu vàng loang sắc nắng của buổi nào, bây giờ có còn vương trên núi đồi không? Cái sắc màu hỏa hoàng trong những buổi chiều nhạt nắng ấy sao nhức nhối ký ức. Thị trấn ấy, như câu thơ Vũ Hữu Ðịnh:

“ Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Ði dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa Ðông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong...”

Có khi em Pleiku chỉ là tưởng tượng. Thi sĩ đã làm thành một nhân dáng nữ tuyệt vời để tô điểm cho phố núi ấm áp hơn trong cái lạnh se se Tây Nguyên. Thơ như tháp cánh vút lên, để những hàng cây dầu hai bên con đường học trò vươn lên mầu lá xanh hiền. Thành phố có em, là thành phố mà tình yêu đã làm một thứ trang sức cho đời lính thú biên trấn xa xôi. May mà còn có niềm vui.

Thơ về Pleiku thì nhiều, nhiều lắm. Kim Tuấn, Diên Nghị, Du Tử Lê, Võ Ý, Lê Bá Ðịnh, Lâm Hảo Dũng,... đã trãi lòng mình lên thành những rung động thật với nơi chốn mà mình đã qua hoặc gắn bó. Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn. Và, nếu có người sưu tập thành một tuyển tập có chủ đề về nơi chốn ấy, chắc sẽ có một quyển sách cả ngàn trang mới mong đầy đủ hết thơ văn của những người hoài vương vấn với mưa sình, nắng bụi cao nguyên...

Nguyễn Mạnh Trinh

Hoa vàng mấy độ



TTCN - Ngày đầu tiên lên nhận công tác ở Tây nguyên, khi bắt đầu qua đèo Măng Giang, tôi đã bất ngờ khi lần đầu thấy sắc dã quì.

Màu vàng mênh mang trải dài từ Kontum, Pleiku đến Buôn Ma Thuột, kéo về Đắc Nông qua Bù Đăng, Bù Đốp...

Con đường 14 lên xuống đồi dốc, ngồi trên xe nhìn hai bên đường dã quì chập chùng sóng lượn ngỡ như mình đang trôi đi giữa hai dòng sông hoa. Từ buổi ấy, hoa đã là tiếng nói thì thầm trong tôi về một tình yêu gắn bó với đất này.

Dã quì - hay còn được gọi là cúc quì, quì vàng - vốn không có mùi hương nồng nàn hay đài các sang trọng, trong khi tôi mới bước ra khỏi Huế với những khu vườn thầm kín mùi hoa trái. Người Huế coi hương hoa là tâm hồn, là nỗi lòng của cây cỏ, và mỗi loài hoa đều có cách bày tỏ cái đắm sâu riêng biệt bằng hương thơm. Thế nhưng ngay lần gặp gỡ đầu tiên, cái sắc vàng tinh khôi rạo rực của dã quì đã hoàn toàn làm chủ tâm hồn tôi, không cần đến mùi hương như bao loài hoa khác.

Nơi tôi ở là một ngôi nhà nhỏ nằm trên đồi, chỉ cần mở cửa sổ ra là thấy hoa vàng bát ngát. Và chỉ trong những đêm sâu, tôi mới khám phá mùi hương hoa lẫn trong mùi cây cỏ đất đai của núi rừng, như cất giấu một nỗi niềm cổ thi đơn độc với những u uẩn thầm lặng mà con người chưa hề biết đến.

Mùa hoa bắt đầu từ cuối tháng mười một rồi kéo dài đến tháng giêng, hai. Thời gian này đất trời Tây nguyên khô ráo. Chính cái giai đoạn, thời khắc dư thừa nắng gió đã góp phần cho hoa kia có cơ hội bộc lộ hết cái màu vàng nồng nhiệt mãn khai của nó. Hoa pơlang đỏ chói lọi tựa màu hoa gạo đất Bắc, còn dã quì chẳng thấy ở miền xuôi có loài hoa nào vàng rực rỡ như thế.

Sống gần hoa nhiều năm nên hiểu cái giá trị nồng thắm của nó đã thuộc hoàn toàn về thế giới hoang dại, cổ sơ và giấu trong mình cái chất đồng nội ven đường. Có người vì quá yêu mến vội ngắt hoa về chưng ở trong phòng; những khi ấy dã quì bỗng lạc lõng vô cùng, khác chi đưa nàng sơn nữ về giữa chốn thị thành xa lạ. Đất trời càng mênh mông dài rộng thì cái chất hoang sơ, sơn cước mới đem đến những vẻ đẹp bất ngờ.

Có lần nhẩn nha đi chơi núi Hàm Rồng ở Gia Lai, ôi chao cả ngọn núi rực thắm một màu vàng trùng trùng của dã quì, ngỡ như ai thả một rừng bươm bướm đầy cả không gian. Người bạn cùng đi hốt nhiên thảng thốt, đứng ngây người rồi lẩm nhẩm mấy câu thơ cũ Rằng xưa có gã từ quan/Lên non tìm động hoa vàng ngủ say...(1) Còn tôi lại chợt nhớ một mùa thu trong thi ca Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông...(2). Có lẽ không có nơi nào trên đất nước nhiều hoa quì vàng như vậy, hoa từ trên núi trút xuống ngỡ như lá mùa thu.

Gần 20 năm sau tôi mới có dịp trở lại Tây nguyên, mới đầu mùa nên dã quì chỉ lắc rắc vàng rơi, buộc tôi phải nấn ná ở lại để đợi để chờ: Dã quì em hẹn tôi về thắp lửa/Cháy ngập ngừng thương nhớ phía không tôi. Câu thơ viết một thời tuổi trẻ vậy mà khi gặp lại mùa hoa sao vẫn thật nhiều bối rối. Tôi hiểu rằng niềm xúc động của buổi đầu gặp gỡ vẫn tinh khôi trong trái tim mình...

HỒ SĨ BÌNH

____________________

(1) Thơ Phạm Thiên Thư
(2) Thơ Bích Khê


Vàng hoa dã quỳ


The image “http://www.gjartcenter.org/images/allen%20sunflower%20field.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Lam tím hoàng hôn, sương mù bảng lảng, vàng hoa dã quỳ như những vật màu siêu thực phết lên tâm hồn tôi bức tranh của nhớ, của mộng tưởng và nhất là kỷ niệm của phố núi, phố sương Đà Lạt...Vì thế, tôi thường tìm về với Đà Lạt như tìm về với chiếc nôi của âu yếm, chiếc vỏ sò yên bình giữa đại dương sóng vỗ. Tôi về cả bằng nẻo nhớ, trên từng chặng cây số của mộng mơ.

Dường như ở phố núi, phố hoa này đã từng hẹn hò với thiên đường nào tôi đã mất, hay chưa có...Có thể đó là màu lam tím của hoàng hôn khi tiễn chiều đi và đón đêm về, nên có cái buồn của tiễn biệt, cái nôn nao của gặp gỡ ban đầu. Và rồi những con phố, chập chùng như thủy triều và mắt "nhỏ" nữa, rất gần sao trời nên ánh ướt long lanh. Tôi nhớ những đêm sao, sao như nát cả bầu trời, tôi lang thang với "búp bê núi", trời lạnh lắm, có cả mây trong hơi thở và đường đi bổng trầm như giai điệu một khúc ca.

Cả sắc vàng nữa, rưng rức những nhớ nhung. Tại sao giữa ngàn sắc của ngàn hoa tôi chỉ yêu có màu vàng. Màu dã quỳ vàng như nắng mật lang thang thường rực lên trong những tháng cuối năm. Dã quỳ là hoa nắng của xứ mùa đông, hay là ngọn lửa của tâm hồn sâu kín nào đó giả vờ lạnh giá chỉ ửng hồng lên ở đôi má cao nguyên ?

Đà Lạt đẹp lắm, nên nhiều người yêu. Tôi nhắc "búp bê núi" giữ giùm tôi. Mốt kia tôi về, Đà Lạt đừng thay đổi. Tôi sợ, vì từng nhìn thấy Đà Lạt đổi thay. Như Đồi Cù nên thơ kia nơi tôi gửi mộng ngày đầu tiên lên đồi cổ tích, trăm muôn chuyện tình đã đi qua nơi đây. Rồi một ngày kia nó bỗng ô trọc những muộn phiền. Hay là vì màu vàng rực ấy, như nhiều người nói, là màu của phản bội, chẳng thủy chung ? Nhưng màu vàng ấy tôi thấy rất nhớ nhung, nhớ nhung như nắng vàng của Huy Cận (*), nhất là khi lam tím hoàng hôn cúi xuống hôn phớt vàng hoa dã quỳ, sương mù đuổi ngày đi để ôm lấy mộng mơ.

Những mảng màu nhớ nhung li ti những sắc màu mà vàng hoa dã quỳ như tấm voan kỷ niệm phủ trùm lên. Sắc vàng cứ rực rỡ không thôi. Tôi nhắc "búp bê núi" giữ giùm Đà Lạt. Cô bé hẹn hò "ngày về, rồi sẽ biết ai đổi thay". Tôi còn về thì làm sao thay đổi, nhất là khi tôi nhận ra rất sâu trong lòng mình có một chỗ để mộng mơ và kỷ niệm nương tựa như Đà Lạt, phải không "búp bê núi" ?

(*) "Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung
Có ai đàn lẻ để tơ chùng"

Nguyễn Phi

Sự tích Hoa Hướng Dương

The image “http://images.postergallery.com/images/SAG/medium/VS004.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Khi các cô gái của thần Mặt Trời tắm táp xong, đáp thuyền du ngoạn ra tận biển khơi thì nàng út, mới sực nhớ ra là nàng đã bỏ quên chiếc vương miện bằng vàng của mình trên cành cây sồi ven bờ. Không có vương miện, nàng không dám về nhà và nàng tha thiết xin các chị hãy quay thuyền lại. Nhưng các chị kêu mệt, thoái thác và chỉ
muốn được đi nằm ngủ ngay, còn nếu nàng út lơ đễnh quá đáng như vậy thì hãy tự quay lại bờ một mình, và cứ đứng chờ ở đó một mình cho đến sáng, cho đến khi các chị lại trở lại tắm lần nữa.

Nàng út bơi đến bờ.... nhưng thật là khủng khiếp: chiếc vương miện không còn trên cành sồi nữa! Dưới gốc cây là một chàng trai tuấn tú, tóc đen, mắt xanh màu nước biển. Chàng giơ cả hai cánh tay vạm vỡ về
phía cô gái và ôm chầm lấy nàng vừa nói những lời ngọt ngào tựa mật ong vàng.

- Nàng hãy ở lại đây mãi mãi với ta, đôi ta sẽ yêu nhau và đừng bao giờ xa nhau - Chàng thì thào rồi lại hôn nàng thật lâu và thật thắm thiết.

- Em ở lại trần gian sao được, hỡi chàng? Đêm tối ở đây mịt mùng, lạnh lẽo lắm, mà em đã quen ở lầu son, gác tía, nơi dưới từng trần nhà đều có những chùm ngọc tía sáng chói; ban ngày em ngồi dệt chỉ vàng, tối đến đi tắm biển thật thỏa thích. Trong những buổi vũ hội, chúng em nhảy múa cùng các chàng trai của Hằng Nga và cưỡi những con ngựa bạc. Chàng có thể hứa hẹn với em một cuộc sống như thế nào ở nơi trần thế này? - Con gái Thần Mặt Trời hỏi.

- Ta hứa với nàng sẽ có những buổi sáng đầy sương làm mát dịu đôi chân nàng, sẽ có tiếng chim ca, tiếng lá cây rì rầm làm vui tai nàng. Ta hứa với nàng những ngày lao động cật lực và cái mệt mỏi vào những buổi
chiều. Còn đêm đến, nàng sẽ được sưởi ấm trong vòng tay ôm ấp của ta - con trai Thần Đất nhẹ nhàng đáp lời.

- Chàng hãy chỉ cho em vẻ đẹp tuyệt vời của trần thế đi, khi đó em sẽ quyết định có ở lại với chàng hay là quay về quê hương - con gái Thần Mặt Trời nói.

Và con trai Thần Đất đã dẫn nàng út tới bên bờ sông, nơi có những cây Anh Đào nở hoa và tiếng họa mi líu lo. Chàng trai hỏi:

- Nàng đã được nghe bài ca tuyệt diệu ấy bao giờ chưa?

- Chưa, - nàng út thú nhận.

- Thế nàng đã được nghe tiếng sóng nước ồn ào của những con sông đổ ra biển cả chưa? Nàng cảm thấy hương hoa Anh Đào thế nào? Và nàng đã biết tình yêu là gì chưa?

- Chàng chính là tình yêu của em, em sẽ ở lại đây với chàng - nàng út sung sướng hứa. Và con trai Thần Đất bèn dẫn nàng tới một căn hầm để nàng được thấy lại vương miện của mình.

Cứ sáng sáng, Thần Mặt Trời lại ra rả gọi con gái quay về thiên cung, đồng thời không quên báo cho nàng biết, nếu nàng quyết chí ở lại hạ giới thì nàng sẽ phải làm việc quần quật ngoài đồng. Nhưng nàng út khăng khăng không chịu vâng lệnh cha, bởi lẽ nàng cảm thấy cuộc sống nơi trần thế này thú vị hơn nhiều so với ở thiên cung, nơi mà nàng đã chán ngấy những chuỗi ngày lê thê ngồi bên khung cửị Ở trần thế nàng được nghe không biết chán tai tiếng sông nước chảy rì rào, tiếng họa mi lảnh lót và được thưởng ngoạn những mùa hoa Anh Đào rực rỡ. Thần Mặt Trời đành phải gửi của hồi môn cho nàng út, và nàng đã làm lễ thành hôn với chàng trai trần thế.

- Ta không ưa chàng trai Thần Đất, song ta không thể cấm đoán tình yêu của con được. Nhưng không nên vì ái tình mà con xem thường quê hương tổ quốc. Sẽ xảy ra chuyện gì, nếu con thấy buồn nhớ nhà? - Thần Mặt Trời hỏi và khép màn mây lại có ý báo rằng, cuộc trò chuyện với con gái đã chấm dứt.

- Con sẽ không cầu xin trở về đâu! - nàng út kêu lên một cách kiêu ngạo.

Hôn lễ vừa xong, mẹ Thần Đất đã bắt con dâu phải lao động. Nàng phải ra vườn coi sóc đàn ong, còn công việc khác xem chừng đôi tay trắng ngần của nàng không cáng đáng nổi. Bây giờ hàng ngày nàng út phải đứng chôn chân giữa vườn trông coi đàn ong để chúng khỏi lạc vào
tổ khác. Ngày tháng cứ trôi qua bình lặng, tẻ ngắt như tiếng ong rù rì. Còn đâu nữa những buổi dạo chơi trên lưng ngựa bạc, những đêm nhảy múa cùng các chàng trai của Hằng Nga, những chuyến du ngoạn bằng thuyền trên biển lớn cùng các chị?

Những con ngựa bị xua đuổi ra cánh đồng nặng nề lê từng bước còn chàng trai Thần Đất bị công việc đồng áng hút hết sức lực nên chẳng còn thời gian nói với nàng những lời lẽ âu yếm nữa. Một hôm nàng út đòi:

- Chàng hãy mang hoa Anh Đào về cho em!

- Hoa Anh Đào chỉ nở có mùa thôi - chàng trai giận dữ đáp

- Hãy mang tiếng hót họa mi về cho em nghe!

- Hoạ mi đâu phải lúc nào cũng cất tiếng hót.

- Đã lâu rồi chàng chưa hôn em. Chả lẽ tình yêu của chàng không còn vĩnh hằng nữa sao?

- Tình yêu không là vĩnh hằng.

- Vậy thì cái gì là vĩnh hằng, thưa chàng?

- Lao động là vĩnh hằng - chàng trai đáp và cầm cái liềm đi ra đồng.

Con gái của Thần Mặt Trời lại phải ở nhà một mình. Nàng buồn nhớ nơi chôn nhau, cắt rốn đến nỗi mất cả lòng kiêu ngạo bấy lâu nay, nàng quay về phía Mặt Trời da diết cầu xin:

- Hỡi Thần Mặt Trời kính yêu của con, xin người hãy chấp thuận lời giải bày của con đâỵ Hiện giờ con rất nhớ quê nhà. Con thường nằm mơ thấy những con đường của tuổi ấu thơ, thường nghe các chị dệt trên khung cửi rào rào. Người hãy thương con và cho con được trở về thiên cung!

Thần Mặt Trời chỉ im lặng.

Nàng út vẫn không ngừng van xin:

- Hỡi người cha đáng kính, chẳng nhẽ Người không cảm thấy đứa con gái của Người đang bất hạnh trên đất khách, quê người ư? Người hãy gọi con về, nếu Người không muốn thừa nhận con là con gái nữa thì con xin làm kẻ hầu hạ Người.

- Con gái ta ở hạn giới quá lâu rồi, đến nỗi đôi chân con đã bén rễ, khó mà bứt ra được. Giờ đây, Cha không thể giúp con được nữa

Thần Mặt Trời vừa dứt lời, Người dùng ngay chiếc khăn mây trắng che kín hai mắt. Những giọt nước mắt của Người như những giọt thủy tinh trong suốt cứ rơi lã chã xuống đôi tay của con gái.

Nàng út toan nhấc đôi tay lên, song mặt đất này đã giữ chặt lấy nàng. Và nàng đã phải ở lại trần thế trong tình trạng như vậy, để rồi sau đó biến thành một bông hoa, luôn luôn hướng về phía mặt trời, về phía quê cha đất tổ. Chính vì thế loài hoa này có tên gọi: Hoa Hướng Dương .

FR